Mang giày vô và đi

Có những chuyến đi không hành lý, không điện tử, không Internet, nó vẫn xảy ra. Thật ngạc nhiên, nó làm chúng ta tự do hơn nhiều.

Mang giày vô và đi, nó khác gì với “Xách balo lên và đi”, như hầu hết người đọc sẽ thắc mắc khi đọc qua đề tựa? Với tôi, chỉ việc xỏ chân vào, cột dây rồi bước đi, nó thật nhẹ nhàng, dịu dàng và chẳng cần màn gì cả. “Nhẹ nhàng” bởi chẳng có gì trên vai, cơ thể sẽ không mang cảm giác nặng, muốn nhích đi đâu thì vô cùng dễ dàng. “Dịu dàng” bởi nó cùng vần với nhẹ nhàng, được thêm vào để thêm sinh động. Thật, đúng chẳng màn gì cả, chẳng lo bị cướp, chẳng sợ bị chặt chém, chẳng ngại nửa đêm cuống cuồng lên vì bỏ quên đồ ở nhà. Rồi cứ thế hòa nhập vào địa phương.

Nhưng, như vậy khác gì là liều mạng, là hành xác, là thích thể hiện? Nó chẳng khác gì đâu, thật ra là cùng một loại đấy. Đi mà không mang balo trên vai giống như không mặc quần mà đeo dây nịt vậy, cảm giác thiếu thiếu gì đó, à là thiếu tự tin. Nhưng, cũng nên thử một lần nhỉ? Việc mang giày vô và đi không phải là ma túy, nhà nước không cấm, pháp luật không cấm, nhà trường không cấm, gia đình không cấm, bạn bè không cấm, cái cây không cấm, cái bàn không cấm, cái ghế không cấm… thì cứ việc làm thôi. Miễn bản thân không cấm là được.

Tôi từng sợ những con đèo ngoằn ngoèo, tôi từng sợ độ dốc của cầu Rạch Miễu, tôi sợ gió sẽ cuốn tôi rơi xuống sông, rồi giờ thì sao, được lợi ích gì? Không sợ nữa? Phải, còn thích thú nữa cơ. Đúng, thử một lần sẽ không sợ nữa.

IMG_8836

Hàng sữa đậu nành, chợ đêm Đà Lạt

Tôi từng đi theo cái kiểu kì dị này, không phải một lần. Lần đầu tiên vô cùng sung sướng: tôi đến Đà Lạt vào một ngày hè mát mẻ, không điện thoại, đôi tay khó chịu, không quần áo mang theo, cơ thể lên mùi, không sách, chán hơn con gián. Nhưng, đó là động lực khiến tôi tập trung vào cái thành phố ấy hơn, chăm ra ngoài hưởng thụ thiên nhiên, chăm ra ngoài nhìn ngắm đời sống thật, thật yên. Lần thứ hai cũng rất “đã”, một mình nhìn ngắm hoàng hôn ở thành phố biển, không điện thoại để bấm, tay bấm vào lọn cát và cảm nhận biển xanh, không, không máy ảnh, đôi mắt sẽ làm nhiệm vụ đó, mắt là máy chụp tuyệt vời nhất. Thế giới rồi sẽ phát minh ra máy chụp ảnh trong kính áp tròng, con người chỉ việc chớp mắt mọi thứ sẽ được ghi lại, đúng không?

Tuy, lần đáng nhớ nhất vẫn là cú ngông tự phát trong 2 ngày. Tiền vừa đủ cho 2 lần đổ xăng cùng quyển “Ta balo trên đất Á” trong cốp xe, tôi “sống” trong 2 ngày, từ lúc gặm bánh mì đem theo giữa quốc lộ 1 đến lúc bị đuổi khỏi bệnh viện Sa Đéc khi bị phát hiện ngủ ké, rồi ngủ trong thùng ATM, đều thật.

– Em ơi, em không được ngủ ở đây, em vào đây nuôi ai thế?

– Chị em ở bên khoa sản, em vô thăm, trễ quá nên ở lại.

– Thế chị em ở phòng nào, giường số mấy?

Chỉ đại một chị rồi cố nháy mắt ra hiệu với chỉ nhưng rồi bất thành, anh bảo vệ không cho tôi ở lại, vì tội nói xạo. Lếch thân ra ngoài cổng, nhìn xung quanh không quán xá, hoàn toàn yên, chỉ mỗi thùng ATM, tôi đã chui vào đó, đọc hết cuốn sách ấy, rồi cố ngủ lấy lại sức. Cú ngông tiếp tục thật sớm vào sáng hôm đó, cho đến khi tôi về đến nhà, trọn vẹn.

Lần sau (nếu có) tôi sẽ lựa nơi nhiều người (trong bệnh viện) mà ngủ, không chơi “ngu” như lần đó nữa. Chấp nhận là điều nên làm. Đi, chúng ta bắt buộc trở thành hoa hậu thân thiện, ai đó đã từng bảo thế.

Tôi sẽ không dạy bảo con gái mình làm cách nào để tránh xa những kẻ hiếp dâm, tôi sẽ bảo cô bé đối diện với chúng. Can đảm là thứ tôi có thể dạy. Những việc còn lại, cô bé sẽ tự quyết.

Mang giày vô đi, rồi viết câu chuyện xảy ra sau đó.

Thanh Đa sau ngày tìm được nơi thực tập.

 

 

9 thoughts on “Mang giày vô và đi

Leave a comment